Nguyệt San Số 1


Quê Hương Và Nỗi Nhớ

Tác giả: V.T
Thể loại: sưu khảo   
Lời Tác giả: Hầu hết người Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở quê hương mình, khi rời xa quê, ít nhiều gì cũng mang trong lòng mình nỗi nhớ về hình ảnh nơi chôn nhau cắt rốn như: Cây đa đầu làng, Con đường đất những chiều cơn mưa nhỏ, mái đình xưa phủ kín rêu phong, vườn cau rũ bóng mương rau, con đê dài đàn trâu gặm cỏ, dòng sông chiều nước lớn lục bình trôi....Ngần ấy thứ hình ảnh thân thương trở về mãnh liệt với chúng ta khi tuổi già xa xứ! V.T xin giới thiệu đến độc giả những bài viết của các tác giả mô tả về hình ảnh quê hương Việt Nam. Như một bức tranh sống động, cho ta hình tượng về quê hương mến yêu còn lại trong lòng người viễn xứ....

**Cây đa 
      Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Y' nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú.
     Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy, cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người.
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ
   Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ thường ở đầu làng, cuối làng, giữa làng và ở bên cạnh các di tích. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Với người dân quê, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ.
Không tiền ngồi gốc cây đa
Có tiền thì hãy lân la vào hàng
      Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái:
Em đang dệt vải quay tơ
Bỗng đâu có khách đưa thơ tới nhà
Hẹn giờ ra gốc cây đa
Phượng hoàng chả thấy thấy gà buồn sao.
      Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Tục ngữ có câu:
"Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề"
Hay:
"Cây thị có ma, cây đa có thần"
        Cây đa xanh tốt tỏa bóng làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên. Cây đa được coi là nơi ngự trị của các thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ. Cây đa nào càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì càng gắn bó với thần linh. Gốc đa ở các di tích thường được dân chúng thắp hương chung để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh dân dã hoặc cầu cho những linh hồn bơ vơ về nương nhờ lộc Phật không đi lang thang quấy nhiễu dân làng.
       Như vậy, cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chỴng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong văn học dân gian, văn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
                                             Thu Hương
 

**Con đường làng
      Con đường rộng 4m, chạy thẳng tắp, nối liền quốc lộ với các xóm ven sông. Tới đầu thôn, nó toả đi các nơi bởi các lối mòn, hương lộ dọc ngang chi chít như bàn cờ, chạy băng qua cánh đồng trống trải, thoáng mát. Đường làng được bao phủ bởi hàng cây bạch đàn xanh cao, đẹp đẽ. Mùa trái cây đang độ đầu mùa, mùa lúa đã lên đòng, mơn mởn, hun hút sữa non theo gió lan toả, ngát dịu đâu đây, hương hoa đồng nội, hoà với khí trời trong xanh tĩnh lặng càng làm cho con người cảm thấy dễ chịu, khoẻ khoắn sau một ngày lao động ở ngoài đồng mệt nhọc. Chú bé cưỡi trâu đi về, cô gái gánh nước tưới rau bên đường, bác nông dân vác cày đi về trong hoàng hôn đượm màu tím đỏ. Phía Tây, mặt trời dần khuất sau núi, chỉ còn lại vài tia nắng nhè nhẹ buông lơi.
     Con đường làng có từ lâu lắm. Xưa kia các cụ kể rằng, để có được con đường liên thông với nhau, ông cha đã cật lực đào đất đắp đường, mồ hôi nhuộm đẫ máu hồng, đối mặt với đất trời khắc nghiệt. Rồi trải bao năm tháng dãi dầu, thăng trầm cuộc sống, con đường làng vẫn lặng im chịu đựng như là nhân chứng cho mọi biến cố lịch sử đã trải qua. Bao lớp người ra đi, sinh sôi và giã biệt cuộc sống để bảo vệ quê hương, đất nước và để bảo vệ chính ngôi làng yêu quý - nơi chôn rau cắt rốn của mình mỗi khi có nạn ngoại xâm đe doạ.
      Rồi cuộc sống phát triển, để đảm bảo cho lợi ích lớn cho con người, đường làng được nâng cấp mở rộng trở thành đầu mối giao thông quan trọng cho cuộc sống, nối liền vùng này đến xứ nọ, con người với con người, con người với thiên nhiên vô tận.
      Con đường làng ngày nay đã khác xưa, đâu còn "Cây đa, bến nước, sân đình" mà thay vào đó là nhà cửa khang trang, mái ngói đỏ tươi, vườn hoa và cây trái sum suê xanh tốt, mặt đường rải nhựa, sỏi nhỏ, có đường dây điện ngang dọc. Con đường làng bây giờ hiện đại, trẻ trung lắm, đến độ khó tìm lại được nguyên vẹn dấu vết cổ xưa, và hương vị hoang sơ của nó từ
lâu cũng đã lùi dần vào dĩ vãng. Nhưng với tôi, con đường mãi mãi trong tâm trí.
                                             Trường Xuân  

**Đình làng 
      Bất kỳ một làng quê nào ở Việt Nam cũng có một ngôi đình. Đình là ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa, dùng làm nơi thờ Thành Hoàng và họp việc làng.
      Đó là một ngôi nhà to, rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có bốn đầu đao cong vút lên, có hình đuôi con chim phượng uốn cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt.Sân đình được lát gạch. Trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đình được tạc hình con nghê.Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành Hoàng. Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng.Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời đất giúp cho mưa thuận gió hoà, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Mùa xuân đến, sân đình trở thành một sâu khấu hát chèo hoặc để đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên.

      Xung quanh đình thường có những cây đa cổ thụ vẫy gọi chim về làm tổ, ríu rít âm thanh, có giếng nước rộng trong vắt làm nước ăn và để các cô gái làng xinh đẹp đến soi gương làm duyên. Trước đình thường có một hồ nước trống sen, hương thơm ngào ngạt...Đình làng còn là nơi trai thanh nữ tú trong làng hẹn hò tình yêu.
      Ngôi đình làng Việt Nam cổ kính, trang nghiêm, ẩn mình sau luỹ tre xanh mướt là một tác phẩm nghệ thuật của con người hoà nhập trong làng quê.
                                              Lã Đăng Bật 

**Giếng làng
Nông thôn Việt Nam xưa phần nhiều là nhà gianh, do đó rất ít nhà có bể nước mưa, người làng chủ yếu dùng nước giếng công cộng để nấu ăn. Vì thế "Cây đa - Giếng nước - Mái chùa" đã trở thành những hình ảnh của quê hương, nhất là đối với người xa xứ.
       Nước mưa là tinh khí của trời cha và được đất mẹ giữ lấy, để từ đây mọi sinh linh sinh sôi và phát triển. Giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra, và do đó nó là nơi của niềm hoan lạc kỳ thú. Trong sinh hoạt đời thường, người ta lấy nước giếng về dùng trong sinh hoạt như nước mưa, nó ngọt lịm khoan khoái như móc lành, làm dịu cơn khát và góp phần tạo nên những bữa ăn hàng ngày. Giếng nước còn là chiếc gương lớn để các cô gái ra gánh nước thì tranh thủ soi mình làm duyên. Và vì thế bên giếng làng thường diễn ra những cuộc hò hẹn ân tình lứa đôi.
      Trong cái tổng thể văn hoá làng quê bình dị mà lung linh huyền ảo, cây đa có thần, mái chùa có phật thì giếng nước là sự tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn và cho nguồn gốc của sự sống. Bàn thờ gia tiên ở nhà dân hay bàn thờ thần thánh ở đền, đình đều không thể thiếu được bát nước mưa hay nước giếng. Trước ngày hội làng, bài vị và ngai thờ Thành hoàng đều được mục dục (lau chùi) bằng nước giếng hay nước sông. Và nếu hội có thi nấu cơm hay thi làm cỗ thì đều lấy nước từ giếng làng.
      Vài mươi năm nay, nông thôn từ ngày ngói hoá thì nhiều nhà đồng thời cũng có bể nước mưa, và khi triển khai phong trào nước sạch nông thôn thì nhà nhà có giếng đào và giếng khoan, do đó nhiều nơi chiếc giếng làng bị lãng quên và rồi san lấp để lấy mặt bằng xây dựng! Tuy nhiên không ít nơi chiếc giếng vẫn đang tham gia vào cuộc sống thường nhật của dân làng, thậm chí gắn bó với đời sống tâm linh của cả cộng đồng. Làng Giang Xá (Hà Tây) ngay trước cửa đền Lý Nam Đế là một khẩu giếng đất to, mặt thoáng thường xuyên thả bèo ong giữ cho nước giếng luôn trong mát. Làng Hiệp Thuận (Hà Tây) đào trong cù lao nhỏ giữa hồ có đường thông ra, đang là nguồn nước sạch của nhiều nhà. Nhiều nơi, trước cửa đình vẫn còn khẩu giếng bán nguyệt xây gạch Bát Tràng gợi lại khúc sông cong làm nơi tụ thuỷ - tụ phúc.
      Cũng có một số giếng ngày nay không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn được địa phương giữ gìn sạch sẽ, chẳng hạn khẩu giếng ở đầu đình Đại Phùng (Hà Tây) bên dưới xây bằng những thỏi đá ong, còn thành giếng là cả một khối đá ong khoét rỗng lòng, trông thật mộc mạc mà đanh chắc, hay khẩu giếng ở trước nhà Tổ chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có thành giếng là một khối đá xanh khoét rỗng lòng, phía ngoài toả chân ra nền sân giếng tạo thành một đoá sen nở rộ với những cánh hoa chạm khá cầu kỳ. Bảo tàng Mỹ thuật đã phục chế khẩu giếng này trưng bày trong vườn cảnh như một di sản văn hoá quý. Sân chim Dâu (Bắc Ninh) còn khẩu giếng không có thành cao, hình thức đơn giản như truyền thuyết cho biết là lỗ cắm cây gậy của nàng Man Nương được sư Khâu Đà La cho để chống hạn, nước rất trong và không bao giờ cạn, nhà chùa vẫn dùng cho sinh hoạt. Trong thượng điện quán Linh Tiên (Hà Tây) có một khẩu giếng mà dân địa phương bảo là huyệt đan sa rất thiêng, nước trong ngọt và không bao giờ cạn, vẫn lấy nước cúng trong Thần điện.
      Chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được dựng từ thời Lý, hiện còn dấu tích những 3 khẩu giếng cổ: khẩu giếng trên sườn núi phía sau chùa được kè đá với bậc xuống từ phía sau, đáy ao từ một tảng đá tự nhiên được chạm thành đôi rồng, nay tuy không còn nguyên vẫn nhận ra rõ ràng, thư tịch xưa gọi là Long Trì. Trên sân bãi trước cửa chùa có khẩu giếng dưới đáy có tượng đầu rồng thời Lý rất điển hình, từ đây nước dù tát cạn lại phun ra rất nhanh. Dưới ao chùa cạnh đó, gần đây cũng phát hiện một khẩu giếng nữa, dưới đáy có một số đồ đất nung vốn xưa được trang trí cho kiến trúc. Chùa Giam (Bắc Ninh) trên nền chùa, phía sau cột đá chạm rồng cao hơn 5m vẫn còn dấu tích một khẩu giếng, dù ở phía bắc cột nhưng dân địa phương kể trong năm có ngày bóng cột sẽ ngả vào giếng, biểu hiện sự trường tồn cho dân cho nước. Chùa Phổ Minh (Nam Định) ngoài cặp giếng đất cân đối ở sân trước chùa được truyền là cặp mắt rồng, phía sau chùa đã phát hiện khẩu giếng cổ mà thân giếng được xếp bằng những chiếc vại đựng vôi đảm bảo cho nước luôn trong và sạch. Còn chùa Keo (Thái Bình) có khẩu giếng bên cạnh điện thánh, thân giếng được xếp bởi những chiếc cối đá  thủng, truyền là đã dùng để giã gạo trong khi dựng chùa.
      Ở đình Ngô Nội (Bắc Ninh) có bức chạm từ cuối thế kỷ 17, trong bức cốn gỗ ở trên cao, nghệ sĩ xưa chạm cảnh cô gái làng ra giếng gánh nước, đôi quang thùng nước và chiếc đòn gánh còn gác lên thành giếng, cô gái gặp người tình và hai người đang ân ái thì bị người khác thổi ống xì đồng làm chết. Họ chết vào giờ thiêng, được dân làng ghi hình và thờ phụng.
      Thiêng hơn cả là những chiếc giếng từ buổi đầu dựng nước. Trên núi Trân Sơn (Bắc Ninh) có vạt núi đá được gọi là "Giếng Việt", các khe đá nứt từ đó toả ra xung quanh, trên cao nhìn xuống như hình cửa mình bà mẹ xứ sở khổng lồ. Và có lẽ vì thế, giếng luôn là biểu trưng của âm tính với nước thiêng nguồn sống vĩnh hằng. Còn trong khu đền Hùng (Phú Thọ), ở dưới chân núi phía đông nam có đền Giếng là nơi thờ tự công chúa Ngọc Hoa (sau lấy Sơn Tinh) và công chúa Tiên Dung (sau lấy Chử Đồng Tử), hiện vẫn còn khẩu giếng tương truyền là gương soi của hai nàng công chúa con Vua Hùng thứ 18. Trong khu thành Cổ Loa (Hà Nội), trước đền Thượng vẫn còn khẩu giếng ở giữa hồ, tương truyền nơi hồn Mị Châu đã hiện hình để dụ cho Trọng Thuỷ nhẩy xuống, dân địa phương bảo để trả mối thù bị lừa lấy mất lẫy nỏ thần, song văn học dân gian lại ghi nhận mối tình đôi lứa thuỷ chung.
      Giếng làng nay còn ít và cũng ít giá trị thực dụng, nhưng những giá trị văn hoá của nó lại càng đậm trong tâm thức mọi người, và vì thế nó cứ lung linh toả sáng.
                                                PGS Chu Quang Trứ

**Hương Cau
      Sau đợt mưa phùn trời thêm ấm dần, vệt nắng thanh minh bắt đầu le lói cho cau vườn thêm xanh, chiếc lá già rơi xuống lộ ra phần bẹ trắng đẫy đà tròn trĩnh, mẹ bảo cau bắt đầu trỗ hoa. Chút hương mùa thơm thoảng chắt chiu từ tháng đông khi cau ấp trứng đến bây giờ đơm hoa thơm hương ngất ngây, thứ hương dịu dàng mơn man vào chiều sâu nỗi nhớ cứ xốn xang như mối duyên yêu buổi đầu rồi len vào trong mơ chút bồi hồi suy tư khó tả thêm da diết nỗi nhớ với làng quê.
      Xa xa rặng cau thẳng tắp từ đầu thôn vào ngõ sân bây giờ như xanh hơn, cao hơn, mượt mà hơn như đằm thắm đợi chờ người xa. Tấm thân thon thả còn đậm hằn vết thời gian theo định kỳ điểm tô cho cau mỗi lần thay lá rồi vươn thêm, vươn mãi trong niềm yêu thương duyên dáng ngọt ngào bấy lâu.
     Gọi là cau tứ thời chẳng có gì sai, cau bận rộn từ cuối xuân đến cuối thu nuôi con, nuôi quả tới 4, 5 buồng trên cây, mỗi buồng trăm quả non tơ tới khi thu hoạch xong mới tạm nghỉ ngơi ít ngày. Chưa hẳn thế đâu, mùa đông cau ấp trứng... Chùm hoa với chuỗi hạt nhỏ nhoi non sữa từ trắng ngà sang màu vàng rồi xanh dần, ban đầu được mẹ ấp ủ trong bọc, vài hôm bọc rụng, chùm hoa xoè ra man mác thơm hương từ đó. Đêm trăng trai thanh gái lịch quê tôi dạo bước trong vườn thủ thỉ bên nhau rồi dừng chân bên gốc cau hồi lâu như không có gì vui hơn, đẹp hơn, duyên hơn khi hương cau bên dòng tóc áo quần và cả tấm thân người con gái như thực sự quyến rũ tình người đâu nỡ dứt ra.
        Đời cau như tình mẹ nuôi con ráng chịu nắng mưa, giông tố bão bùng qua mỗi chu kỳ đơm hoa ngót nghét mùa trăng mới bắt đầu lên quả, rồi vừa nuôi quả lại vừa đơm hoa tới bốn năm lần trong năm, đám quả được mẹ chăm nom, nuôi nấng rồi dăm tháng, nửa năm sau chúng lớn dần tới khi đậm hạt kịp ngày dạm ngõ, kịp mùa cưới xin...
      Quả cau lên cơi trầu mở đầu câu chuyện thành truyền thống văn hoá đẹp đẽ bước vào thơ ca, truyền thuyết như mẹ kể cho mình ngày xửa ngày xưa... ơi quả cau nhân duyên nghĩa tình từ trong sâu thẳm lòng người đã là văn hoá cội nguồn làng quê.
      Mẹ bổ cau đem phơi bằng con dao nhỏ nhoi mà sắc ngọt, mẹ dùng cho cả mùa năm sau rồi gửi biếu bạn bè và cả người xa xứ như chút hương tình thấm đậm bấy lâu, như sẻ chia viễn cảnh quê nhà nơi rặng cau làng nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ấu thơ cắp sách đến trường, cho dù nắng mưa thăng trầm biến đổi bên dòng thời gian vẫn còn trên tay miếng cau nơi quê mẹ, bốn mùa chắt chiu nuôi cau, nuôi mình một thời xưa, đã xưa!
                                               Phạm Kim Nhung
 
  **Những con đê làng
      Để ngăn nước lũ, người xưa đã đắp nên những con đê. Đê gắn với dòng sông, với làng mạc trù phú từ bao đời nay. Đê góp mặt vào những sinh hoạt đời thường của con người, để lại những kỷ niệm thiết tha và ý nghĩa.
      Hai bên bờ những dòng sông đều có con đê. Những con đê ngăn dòng nước lũ tràn lan, chia thành vùng đất trong đồng và ngoài bãi. Đê giữ lũ cho xóm làng có một cuộc sống bình yên. Những con đê cứ uốn mình theo dòng sông, khúc cong, khúc thẳng như hình với bóng.
      Những con đê là những con đường giao thông, nối tình người của những miền đất xuôi, ngược, mang những vật phẩm, hoa trái của miền nọ, giao hảo với miền kia. Đê là những con đường cao ráo sạch sẽ. Dẫu có mưa dầm dề cũng không thể nào đọng nước. Và gió mặt đê cũng thỏa sức thả hết tốc độ của gió, lau sạch những bụi bặm trên mặt đường mà trận mưa rào chưa rửa hết.
     Bờ đê, nơi thoáng gió ấy, là những "bệ phóng" lý tưởng của những cánh diều tuổi thơ. Cỏ bờ đê là những bãi chăn thả dự trữ của những đàn trâu, bò, gà tây, đàn ngỗng trong mùa lụt. Khi cánh đồng đã lên xanh, khi dòng sông đã nhấn chìm hết những bãi non, bãi già thì những đàn gia súc, gia cầm ấy chẳng hẹn cũng gặp nhau trên bờ đê. Những người chủ bé của chúng cũng gặp nhau cùng thi thả diều.
      Với tuổi dậy thì, con đê là điểm hẹn hò đáng yêu, đáng nhớ. Mấy ai ở tuổi ấy, ở những nơi ấy chả có đôi lần gặp nhau, đợi nhau trên bờ đê. Nhà thơ Nguyễn Bính, con người "chân quê" xưa, chả đã có lần thốt lên:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng...
      Câu thơ của thi sĩ đã nói hộ bao người. Nói hộ bao trái tim đôi lứa sinh ra bên những con đê làng. Những loài cây cỏ bên bờ đê cũng đặc biệt lạ lùng. Loài cây trinh nữ và loài cỏ may, hai loài cây ấy hầu như triền đê nào cũng có. Trinh nữ bò lan mặt đất, lá như lá me, hoa nở từng chùm, bông hoa tròn như bông hoa tai nàng công chúa trong cổ tích. Hễ ai động bàn tay vào, lá trinh nữ cụp lại, héo rũ, tái nhợt như người con gái lần đầu tiên gặp người mình yêu.
      Thuở trước, khi mùa cưới bắt đầu, những tràng pháo nổ râm ran. Người làng đứng trên đê nhìn xuống có thể thấy những làn khói xanh bốc lên trước ngõ nhà nhau. Chàng trai hay cô gái nhìn khói pháo, giật mình tưởng việc của mình sắp đến. Trẻ con đứng trên đê nhìn khói pháo, rủ nhau chạy ùa xuống ngõ xem mặt cô dâu chú rể.
      Đó là hình ảnh của những con đê làng thời chưa xa lắm. Hôm nay ta đi trên mặt đê, lòng cảm tạ cha ông xưa, người đã sáng tạo ra những "vạn lý trường thành" ngăn giặc lũ, cũng là nơi manh mối nghĩa tình. Cuộc sống hôm nay trên mặt đê diễn ra nhộn nhịp. Những đám đón dâu, đưa dâu không còn phải đi bộ. Những xe hoa lăn bánh trên mặt đê, xe ngược, xe xuôi gặp nhau trong những ngày lành tháng tốt.
     Làng tôi bên kia sông Hồng, một làng ven ngoại thành Hà Nội, cũng có một con đê trải bao đời như thế. Những nỗi lo mùa lụt hằng năm vẫn canh cánh người dân quanh vùng. Lịch sử sắp sang trang một thiên niên kỷ mới. Và những con đê quanh vùng ven cũng đổi đời. Những con đê bên bờ Hà Nội sẽ trở thành con đê bê-tông cốt thép để bảo vệ nội thành. Sau những nỗi mệt
nhọc lo âu thường nhật, chiều chiều ra đê đón gió mát lạnh của sông Hồng, tôi mới hiểu con đê trong tôi tha thiết và ý nghĩa biết chừng nào.
                                               Thanh Hào 
 
  **Dòng sông và nỗi nhớ
      Nói là sông chứ thực ra nó chỉ là dòng suối nhỏ với tên gọi là suối Đu. Suối Đu chảy quanh theo rìa phía Tây làng tôi. Người xưa đã dùng nó để phia chia ranh giới các làng hai bên bờ. Dòng suối uốn lượn ven làng tạo nên những soi bãi cho dân làng trồng cấy quanh năm, bốn mùa ngô lúa tốt tươi.
      Tuy là suối nhưng chẳng hiểu vì sao dân làng tôi từ già đến trẻ đều gọi là sông! Có lẽ vì nó cũng khá lớn nên dân làng thường nói với nhau như: ra sông tắm giặt, ra sông lấy rong lợn, ra sông mò ốc... Trẻ con thì rủ nhau cho trâu ra sông đằm để tranh thủ tập bơi, tập lặn hàng giờ dưới nước trong những trưa hè nắng bỏng. Vậy là từ suối nó đã được chuyển thành sông theo cách gọi của dân làng, cách gọi ấy trở nên thân quen, gắn bó với chúng tôi ngay từ tấm bé, đặc biệt tên các bến sông như: Gò Danh, Vực Cá Chỳ, Bến Gốc Bòng... Đã thành điểm hẹn hò, tụ tập của lũ trẻ trâu chúng tôi ngày ấy mỗi khi hè về, với bao trò chơi trên sông nước. Vào mùa đông, dòng sông trở nên lạnh lẽo, buồn tẻ, vắng bóng người nó như đơi côi, lạnh giá hơn! Lòng sông khô cạn, bãi sỏi, doi cát nhô lên mấp mô; gò đống, nước sông lặng lờ trôi, có những đoạn sông, người lội qua nước chỉ ngập ngang gióng chân trẻ con. Ngày bé đi học chúng tôi ngại nhất cảnh lội sông nước vào mùa này vì nước suối lạnh và dễ làm nứt nẻ da chân đến chảy máu. Lòng sông khi ấy co hẹp lại, dải nước trogn vắt dóc rách chảy, luồn lách âm thầm dưới bóng những lùm cây và rặng tre ven bờ, miệt mài chảy mãi về xuôi chẳng hề biết mệt mỏi. Xuân về, dòng sông được đánh thức bởi tiếng chim lảnh lót hót vang trên những lùm cây bên sông, hàng ngàn khóm hoa đua nhau nở rộ, khoe sắc đỏ tươi, chùm trắng sen lẫn chùm hồng buông mình soi bóng xuống lòng sông, dòng sông khi đó ngời lên bởi màu xanh của lá, sắc thắm của hoa thật lung linh, huyền diệu, từng đàn bướm dập dờn, vờn bay tìm đến với hương thơm của hoa làm cho cảnh sắc đôi bờ thêm tưng bừng náo nhiệt dưới nắng xuân ấm áp. Nước sông vẫn hiền hoà trôi xuôi về nam mang theo cả những cánh hoa dun đỏ thắm cùng hương sắc của đất trời. Chỉ khi mùa hè tới mang theo những trận mưa rào như xối, dòng sông mới choàng tỉnh. Nước từ thượng nguồn đổ về, nước từ trăm con khe đổ ra, nước dâng ngập bến bờ, dòng sông giận dữ, gầm réo, sẵn sàng cuốn phăng, nhấn chìm những gì có thể, nó như muốn chứng tỏ sức mạnh hoang dại với con người, tiếng nước chảy xiết qua những thác ghềnh réo vang như tiếng cười man rợ của quỷ dữ! Những ngày mưa lũ dân làng hai bên sông thường mang vó ra sông cất cá vì theo dòng nước, cá từ các khe, hổ theo ra, cá ở sông lớn ngược vào đây là dịp đánh bắt rất tốt cho bà con, nhiều người còn bắt được cả ba ba, rùa rùa rất to. Bọn trẻ con những ngày mưa lũ thường bị bố mẹ cấm bắt không cho ra sông vì sợ nước cuốn trôi. Nước lũ thường lên nhanh và rút cũng nhanh, thường mỗi trận lũ chỉ kéo dài 2 đến 3 ngày, dòng sông lại trong xanh trở lại, nó để lại những dấu tích tàn phá dọc hai ven bờ, những đám lúa nát tan, nằm rạp sát đất, những bãi ngô đổ gãy tơi bời, những lớp phù xa mới bồi đắp loang lổ... Dân làng đã quá quen với cảnh như thế. Yên tĩnh lập lại, dòng sông lại êm ả trôi, nó phớt lờ những tội lỗi của mình, vồn vã mở rộng lòng ôm lấy lũ trẻ chúng lôi vào lòng đùa nghịch. Chúng tôi thi nhau vùng vẫy, lặn ngụp, đuổi bắt nhau dưới nước, hay thi nhau lặn mò những hòn đá ráp về làm đá kỳ, có khi lại men theo chỗ nước cạn tìm nhặt những viên sỏi trắng nhẵn thín về đánh chắt chơi ô. Lùa đàn trâu xuống sông, lũ trâu thích thú đằm mình dưới nước, lắm con nghịch ngợm lặn xuống nước chỉ để hở mỗi chiếc mõm trên mặt nước chúng thở phì phì làm nước bắn toé lên người chúng tôi, nhìn chúng khi ấy thật ngộ nghĩnh, chúng tôi thi nhau kỳ cọ cho trâu, con nào con nấy đều đen bóng lên. Tắm táp thoả thuê chúng tôi lại nghễu nghện mỗi đứa cưỡi một con giong về đồng chăn cho tới tối mới về.
      Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã hơn hai mươi năm qua đi. Làng quê đã nhiều thay đổi, riêng dòng sông vẫn đó như một chứng nhân, chứng kiến những thăng, trầm, đổi thay của làng qua những tháng năm. Lòng sông vẫn rộng mở ôm ấp bao thế hệ dân làng kế tiếp nhau lớn lên bên đôi bờ của nó. Nước sông vẫn thì thầm tiếng của ngàn xưa cho dù những bến sông cũng có nhiều đổi khác. Giờ đây mỗi khi hè về, khắc khoải phía đồng xa tiếng chim cuốc kêu dóng dả và da diết lúc hoàng hôn về buông tím ngát phía trời tây, dòng sông lại hiện về trong nỗi nhớ của tôi với bao bạn bè của ngày xưa. Tiếng cuốc kêu như nhắc nhở ở nơi xa ấy là làng quê yêu dấu của tôi, một thời tôi lớn lên ở đó.
                                               Bùi Nhật Lai 
 
**Cỏ dại ven đường
        Những con đường mòn chỉ quen thuộc với trung du có sim mua hoang dại, cằn cối, nở một chút tím để tự an ủi nỗi cô đơn. Con đường làng là sợi chỉ nâu, chỉ hồng khâu liền những thôn xóm, mảnh đất xa xôi, cho cách biệt hoá nên gần. Không sầm uất đông vui nhưng nó là một phần cơ thể đất đai phơi mình trong nắng ngút ngàn, dầm thân vào mưa chan lụt lội. Nó có đọng tiếng sấm tháng ba, tiếng giông tháng bảy, cho hạt nhãn bên vệ cỏ nẩy mầm, cho hoa cỏ may xào xạc găm bước chân người, là những con ngõ nhỏ, lượn theo bờ ao, có cây dừa, cây vối, cây sung, ngả bóng xuống ao cho con rô, con trê bắt bóng làm mồi.
      Những con ngõ nhỏ, đường làng rợp bóng đều cong cong, ngoằn ngoèo đi giữa hai thảm cỏ, hai bên chỉ có cây dại. Và loài cỏ ven đường cũng đặc biệt lạ lùng. Trinh nữ và cỏ may là hai loại cây hầu như ven đường nào cũng có. Trinh nữ bò lan mặt đất, lá như lá me, hoa nở từng chùm. Loài cây hay thẹn thùng, e lệ. Hễ ai động bàn tay vào, lá trinh nữ cụp lại, héo rũ, tái nhợt như người con gái lần dầu cham phải da thịt chàng trai, dù chỉ là sự va chạm của bàn chân vô tình bên bàn tiệc. Thân và cuống lá trinh nữ cũng có gai, để tự vệ một cách yếu đuối, thiên nhiên đã tạo ra cho phù hợp với loại cây này. Còn cỏ may, loài cỏ không bò lan như những loài cỏ khác. Cây cỏ cao hơn đầu gối người, lá như lá lúa tẻ. Hoa cỏ may tím như màu mây chiều. Mùa thu, hoa nở tím biếc như nhung, trải dài ra tít tắp. Trai gái yêu nhau, ngồi bên đường làng đều được hoa cỏ ghim vào áo quấn. Để khi họ chia tay nhau ra về, ngồi nhặt hoa cỏ, cấm cái màu tim tím trên tay cho lòng càng nhớ nhau.
       Rong ruổi trên mọi nẻo đường ai có còn nhớ, một thời mình đã giấu cha, giấu mẹ, ngồi bên ngọn đèn dầu nơi góc buồng nhặt hoa cỏ may cho dài nỗi nhớ. Ai đã có lần xuýt xoa khi ngắt bông trinh nữ, gai cào xước da tay. Bây giờ, hoa cỏ may vẫn cài nỗi nhớ thương, tim tím, chung thuỷ vào áo quần những trai gái mới tìm nhau. Hoa trinh nữ vẫn thẹn thùng, e lệ như xưa, cái nữ tính của loài cây dại trời phú cho nghìn đời vẫn thế.
      Người xa ơi! Thu đến trong sắc nắng vàng ươm rồi người có về không? Ta về dẫm bàn chân trần trên cỏ, nghe bâng khuâng nhớ lại bao kỷ niệm của thời tấm bé. Nghe tiếng ai hò khoan mà thèm khát những lần hẹn hò trên những triền đê, cho cây trinh nữ xấu hổ thay người, cho hoa cỏ may ghim cài nỗi nhớ...
                                              Chi Hảo

**Hương lúa
      Tôi sinh ra ở một làng quê nhỏ, nơi có con sông Đáy thơ mộng. Mẹ tôi bảo tôi sinh vào cuối thu, đúng vào mùa lúa chín. Có lẽ chính vì thế, từ khi chào đời, cùng với dòng sữa và tiếng ru ngọt ngào của mẹ, tôi đã được bao bọc bởi hương lúa dịu êm.
      Khung trời đầu tiên còn lại trong trí nhớ của tôi mênh mang một màu xanh và cánh đồng bát ngát, con cầu nhỏ bắc qua sông, cánh diều trắng. "Món ăn" mà tôi thích là những quả sung, quả ổi, hay quả mít thôn quê. Trò chơi đầu tiên mà tôi tham gia chính là trò đuổi bắt hay trốn tìm bên đống rơm nếp ngày mùa thơm nức. Đôi khi chúng tôi bắt được một ổ trứng gà trong đống rơm, có khi lãng đi, đến lúc gà mẹ dẫn về sân một đàn con kêu liếp chiếp thì cả nhà mới biết.
      Và mùa đông tới. Mùa đông trong trí nhớ của tôi dường như rét hơn bây giờ. Rét căm căm, gió táp vào mặt lạnh buốt. Vậy mà mẹ vẫn phải sục chân xuống nước, xuống bùn lạnh cóng, gặt về những gánh lúa vàng. Còn chúng tôi, được náu mình trong ổ rơm trong góc nhà để tránh rét. Để làm chiếc ổ rơm này, cha tôi phải chọn những đám rơm nếp sạch nhất, phơi khô, sau đó rải thành một tấm nệm dày ở góc nhà. Tôi thường nằm thật yên lặng, úp mặt xuống tấm nệm rơm đó hít đầy lồng ngực hương thơm ngọt của rơm nếp. Và hơi nóng ấm của rơm truyền sang tôi tự lúc nào, lan từ chân đến đầu, ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Sau này, được đắp chăn bông, chăn len, nằm nệm mút ấm hơn nhiều; tôi cứ thấy thiếu vắng mùi ổ rơm nồng ấm thân thuộc ấy...
      Rồi tôi theo bố mẹ ra thành phố. Cha tôi không thích ở nơi phố phường đông đúc, ông chọn một mảnh đất nơi ngoại thành để cả gia đình sinh sống. Tôi vẫn gặp quanh mình khung cảnh thân yêu nơi làng quê: chung quanh nhà là cánh đồng lúa, là ao cá, bụi tre...
    Vào mùa gặt, tôi thường theo bọn trẻ trong xóm đi mót thóc. Ẩn trong những gồi rạ là những bông lúa dù bé nhỏ cũng là niềm vui lớn lao của chúng tôi. "Năng nhặt chặt bị", mẹ thường bảo vậy, nên tôi đi mót rất chăm chỉ. ở những nơi mọi người bó lúa hoặc chất lúa lên xe bò, có nhiều thóc rơi. Những hạt thóc rụng như thế thường rất mẩy, bọn trẻ chúng tôi thường lấy đất nhão chấm những hạt thóc vàng đó và mang về đãi. Tôi và chị gái tôi đã nuôi được nhiều gà từ số thóc mót ấy. Sau mỗi lần bán gà, mẹ thường mua cho chị em tôi những bộ quần áo mới.
      Con đường đến trường của tôi xuyên qua cánh đồng. Chính vì thế, tôi có thể cảm nhận và phân biệt rõ hương lúa khi đang trỗ đòng khác với hương lúa khi đang ngậm sữa hay khi lúa đã chín. Những chiều mùa đông mưa rét, khi đi qua cánh đồng, tôi thường phải bỏ dép ra lội bộ. Bàn chân dầm trong nước lạnh buốt, nhưng hương lúa khi đó lại dường như nồng hơn. Những bông lúa nếp trĩu hạt, vàng óng như chuỗi cườm đung đưa trước mắt như những bàn tay khẽ vẫy, an ủi, động viên tôi. Vào những ngày đó, bọn trẻ chúng tôi rất thích ăn thóc rang - thường gọi là cắn chắt. Những hạt thóc nếp vừa rang xong, nóng hổi, nở bung như những bông hoa trắng lấm tấm, giòn tan. Nhưng "mưa rét là chuyện của trời"- với chúng tôi nằm trong chăn và cắn chắt đó là một niềm thích thú.
      Tôi lớn dần qua từng mùa lúa. Rồi tôi phải xa bố mẹ, anh chị đi học đại học, rồi đi làm. Mỗi mùa lúa chín, tôi nhớ nôn nao mùi hương đồng quen thuộc và thường mơ được ăn bát cơm trắng thơm phức ngày mùa. Ngày xưa nhà nghèo, thường phải ăn cơm độn khoai, độn sắn, đến ngày mùa mới được ăn bát cơm trắng, không có thức ăn gì ngoài mắm tép mà chị em tôi ăn bốn - năm bát, no rồi mà vẫn thấy ngon.
      Mới rồi tôi theo cha về thăm quê. Lại đi qua con đường với những cánh đồng lúa bát ngát. Những kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Tôi như thấy cảnh bà tôi đang ngồi nấu bếp, ánh lửa hồng làm khuôn mặt của bà như trẻ lại. Nồi cơm đang được vùi trong tro rơm thơm nồng. Khi bắc ra, bà khẽ hớt lớp cơm trên cùng có vương ít tro bếp rồi lấy đũa cả đánh tơi nồi cơm, hương cơm bốc ra thơm nức. Trong hương thơm ấy, đượm cả hương của rơm nếp...
      Tôi về đến làng vào lúc chiều tối, vậy mà làng xóm tịnh không thấy vương làn khói mỏng quen thuộc ngày nào, những cây rơm cũng chỉ còn lác đác. Tôi buông xe chạy ào xuống bếp. Bác tôi đang nấu cơm trên bếp than tổ ong. Tôi ngạc nhiên: "Sao bác phải nấu cơm bằng bếp than tổ ong?". Bác tôi mỉm cười bảo: "Bây giờ ở quê mình, cả làng nấu bằng bếp than rồi cháu ạ". Tôi lại hỏi: "Thế còn rơm thì để đi đâu ạ?". "à, bây giờ người ta thường đốt rơm rạ luôn ở ruộng để cho đất tốt hơn" - Bác tôi trả lời. Sáng hôm sau, tôi sang nhà chú tôi chơi, chú khoe: Mấy năm nay được mùa nên nhà chú sắm được ti vi, quạt điện và cả nồi cơm điện nữa. "Nồi cơm điện ư?", tôi tự hỏi khi tựa lưng vào đống rơm sau nhà.
      Chưa lúc nào tôi nhớ bà như lúc này. Tôi rút ào một nắm rơm to. Mùi rơm ngọt. Tôi chạy vào bếp: "Bác ơi, bác để cháu nấu cơm cho". Bác tôi bảo: "Bếp than bác quạt đã hồng rồi đây này!". "Không cháu nấu bằng bếp rơm cơ". Tôi sung sướng ngồi bên bếp lửa, những ngọn lửa nhảy nhót như múa vui. Hương lúa ngào ngạt quanh tôi. Và tôi thấy đâu đây đôi mắt đang nheo cười của bà... Tôi thì thầm khẽ gọi: "Bà ơi!".
                                               Nguyễn Mai Hồng